Hiển thị các bài đăng có nhãn rang-khenh. Hiển thị tất cả bài đăng

Tại sao không nên trồng răng khểnh?

Lần đầu tiên nghe nói đến cụm từ “trồng răng khểnh”, người viết khá ngạc nhiên. Trước giờ, hàm răng trắng, đều đặn luôn được nhiều người hướng đến. Nếu ai có hàm răng nhấp nhô, họ sẽ nhờ sự can thiệp của bác sĩ nha khoa. Vậy mà giờ lại có phong trào trồng răng khểnh!?


Theo Hiền (21 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), nhiều người bạn của cô đã thực hiện việc trồng răng khểnh, hầu như ai cũng hài lòng về chiếc răng “tuy xấu mà xinh” này. Chưa kể, nhìn họ trẻ trung, đáng yêu hơn tuổi thật rất nhiều. “Em bị khuyết một cây răng hàm trên bẩm sinh, phải lắp răng giả vào. Vả lại, em muốn khi cười nhìn gương mặt dễ thương hơn, nên quyết định trồng răng khểnh. Nghe nói chỉ vài trăm ngàn hà, mà lại không đau đớn. Mai mốt, không thích nữa mình tháo ra là xong!” – Hiền chia sẻ. Mấy ngày nay, Hiền đang “rủ rê” Kim Ngân (19 tuổi, bạn cùng chỗ làm) đi trồng răng khểnh. Nhưng Ngân vẫn cứ phân vân, vì không biết có hợp với gương mặt không, có ảnh hưởng gì sau này không?

Phóng viên tìm hiểu tại một số phòng nha trên địa bàn TP. Long Xuyên thì được biết: Nhiều bạn trẻ đến yêu cầu gắn thêm răng khểnh (1 hoặc 2 cây), dù “trái khoáy”, nhưng các phòng nha vẫn thực hiện theo yêu cầu của “Thượng đế”. Một người tự xưng là bác sĩ tại Nha khoa V.Đ (đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Long) “tư vấn”: “Trồng răng khểnh bằng cách mài nhỏ răng thật, sau đó làm một cây răng sứ theo hình dạng khểnh lồng vào, rất dễ thực hiện, không hề đau đớn và hợp thời. Ở đây, chúng tôi có nhiều loại răng sứ, với các giá cả khác nhau. Loại rẻ nhất chỉ 800.000 đồng/cây. Mắc hơn thì có sứ Vita, Tital, giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/cây. Nhưng để đẹp, sử dụng vĩnh viễn thì nên chọn sứ Ziconia hoặc Cercon, giá 3,5 đến 4 triệu đồng/cây. “Tiền nào của đó” mà! Hiện tại, chúng tôi đang có chương trình khuyến mãi giảm giá 25%. Thích thì sử dụng, không thích cứ việc tháo ra, làm một cây răng sứ bình thường như cũ là ổn”. Nha khoa S.G - cách đấy vài trăm mét, cũng nhiệt tình tư vấn cho chúng tôi cách gắn răng khểnh. Tuy nhiên, mức giá nơi đây chênh lệch so với V.Đ, cũng đang khuyến mãi giảm giá từ 10-50%.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Trường Xuân, Trưởng khoa Răng hàm mặt, chỉnh hình răng mặt (thuộc Bệnh viện Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt tỉnh) cho biết: “Phong trào trồng răng khểnh đã xuất hiện khá lâu ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng gần đây mới về đến An Giang. Đối với hoạt động này, giới chuyên môn hoàn toàn không đồng tình vì nhiều lý do. Thứ nhất, về thẩm mỹ, một hàm răng được xem là đẹp khi có cung răng đều đặn, không bị nhấp nhô. Răng khểnh tuy nhìn xinh xinh, nhưng chỉ sử dụng một thời gian khi mình còn trẻ, chứ về già mà có răng khểnh trông kỳ cục lắm. Thứ hai, về chức năng, răng khểnh tạo sự không liên tục trong cung răng, dễ khiến thức ăn nhồi nhét vào kẽ hở gây sâu răng. Những người có răng khểnh, khi ngoài 40 tuổi, nếu giữ răng không bị sâu thì cũng gặp phải vấn đề về nha chu, nên phải nhổ bỏ. Do ở Việt Nam chưa có điều kiện, chứ các nước phương Tây thường cho trẻ em 12-13 tuổi đi niềng răng, chỉnh hình để có hàm răng đều, đẹp, chắc khỏe. 

Trong khi đó, dân xứ mình lại đi tạo răng khểnh rất phản khoa học. Chưa kể, do phải mài răng, dán răng giả vào, nên men răng sẽ bị mất đi, răng không có độ chắc khỏe, bền như răng thật. Khi muốn bỏ thì phải tốn thêm tiền phục hồi. Xét về khía cạnh nào cũng không có lợi, nên mọi người hãy suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện”.

Được tạo bởi Blogger.